3 biện pháp khắc phục khi nhà xuống cấp: nứt, thấm, dột

Như Ngô – homify Như Ngô – homify
Casa Vitelli: Ristrutturazione di una casa unifamiliare privata, Ossigeno Architettura Ossigeno Architettura Dining room
Loading admin actions …

Ngôi nhà với chúng ta không chỉ đơn thuần là một nơi cư trú vô tri vô giác mà từ lâu được xem là người bạn thân thiết, là tổ ấm yêu thương. Ngôi nhà cũng giống như con người, cũng biết mệt mỏi và xuống cấp khi phải chiến đấu với thời gian. Trải qua nhiều năm tháng, ngôi nhà đã bị hư hao bởi những tác động bên ngoài, và bạn luôn trăn trở làm sao để giúp ngôi nhà trở lại vững chãi như ban đầu. Hôm nay, homify sẽ mách nước cho bạn ba cách hồi sinh ngôi nhà khi gặp sự cố xuống cấp nhé.

1. Đối phó với hiện tượng nứt cột, dầm

Đây là hiện tượng xuất hiện vết nứt trên cột, dầm. Loại nứt này thường khiến bạn khó chịu bởi chúng vốn được liệt vào hàng không dễ sửa chữa. Thường thì nhà bạn sẽ bị nứt ở ba vị trí sau : nứt ở mép tiếp giáp tường – cột, nứt ở mép tiếp giáp tường – dạ và nứt ở mép tiếp giáp tường – mặt. Chúng tôi sẽ giúp bạn giải quyết từng vị trí một.

a) Nứt ở mép tiếp giáp tường – cột

Nguyên nhân chính : do lỗi từ phía thi công, các thép râu không được đặt đủ lượng để neo vào tường khi tiến hành xây dựng.

Biện pháp khắc phục : bạn nên sử dụng máy cắt tạo ra rãnh sâu, sau đó làm sạch, làm ẩm, rồi phụt vữa sửa chữa (loại đông cứng nhanh bán sẵn bên ngoài) và trát lại bằng vữa trát thông thường. 

b) Nứt ở mép tiếp giáp tường – dạ 

Nguyên nhân chính : cũng do lỗi từ phía thi công đã không xây dựng đúng quy định, đồng thời không xử lí hồ dầu và độ ẩm đúng mức.

Biện pháp khắc phục : bạn lập tức đục hàng gạch trên cùng để xây lại đúng quy định, hoặc bạn có thể áp dụng biện pháp xử lí ở mục nứt mép vị trí tiếp giáp tường – cột. 

c) Nứt ở mép tiếp giáp tường – mặt 

Nguyên nhân chính : do lỗi kỹ thuật khi thi công, do các bề mặt không đủ sạch và ẩm, các lớp hồ dầu không được miết kỹ. Ngoài ra, cũng có thể do sàn bị võng, nên đã tạo nên các vết nứt trên.

Biện pháp khắc phục : tốt nhất bạn nên sử dụng các loại vữa cao cấp, tuy nhiên cách này tốn kém vì giá thành khá đắt đỏ. Vì vậy, tốt nhất là bạn hãy chú ý trong quá trình thi công ban đầu, nên  xây trước tối thiểu là ba hàng gạch đinh (gạch đặc). Độ cứng được chuyển dần từ dầm sàn bê tông sang gạch đặc, gạch ống và từ đó hạn chế được các vết nứt xuất hiện.

2. Hiện tượng thấm dột trần nhà

Nguyên nhân chính : 

* Nước chảy vào nhà từ chỗ các vết rạn nứt chân chim trên trần, mao mạch rỗng của tường, vị trí ống thoát nước sàn, hộp kỹ thuật, các góc tường, giáp lai tường và rãnh nước trên sàn mái. Tạo nên hiện tượng thấm nước từ trên mái xuống. 

* Thường các vết rạn cổ trần rất to nên nước mưa dễ dàng chảy vào, lâu ngày sẽ gây thấm tường trên diện rộng, dẫn đến hiện tượng thấm do nứt cổ trần 

* Do tường ngoài rạn nứt chân chim. 

* Thêm một nguyên nhân chủ quan khác : là do khi thiết kế không đảm bảo khoảng chênh cốt cao độ giữa nền nhà so với nền phòng vệ sinh, nền ban công.

Những nguyên nhân này cũng là một trong những lý do Vì sao trần nhà màu trắng lại là một sai lầm lớn.

Biện pháp khắc phục : 

* Khi nhà bạn bị thấm dột nhiều dưới sàn: hãy nhanh chóng đập bỏ lớp gạch sàn khu vực bị thấm, sau đó phủ lên trên một lớp sợi thuỷ tinh và keo chống thấm, cuối cùng trám xi măng và lắp gạch như cũ. 

* Khi mái nhà là nơi bị dột: bạn nên trám bít các vết nứt trên máng xối, ô văng, sân thượng bằng hỗn hợp vữa được trộn từ xi măng, cát và chất chống thấm. Hãy nhớ độ dày tối thiểu là 1cm, và lưu ý không để nước thoát thẳng ngay đỉnh các ống thoát nước, mặt tường hoặc các chỗ nối giữa mái, tường và cửa sổ. Thêm vào đó, bạn nên thay máng xối có lòng sâu hơn và đục thêm lỗ thoát nước nhé.

3. Hiện tượng tường nhà bị nứt và thấm nước

Hiện tượng này gây ra các mảng sơn bong tróc trên tường, không những khiến rêu mọc lên ở các khe, nhà bạn mất đi lớp sơn bảo vệ, mà nó còn làm mất đi tính thẩm mỹ của ngôi nhà bạn.

* Nguyên nhân chính: do tường trải qua các tác động thời tiết nên xuất hiện vết nứt chân chim, từ đó nước thấm qua các vết nứt gây hại cho nhà bạn.

* Biện pháp khắc phục: rất đơn giản! Bạn chỉ cần cạo sạch sơn bị bong tróc hay bột bụi bằng vât cứng, sau đó dùng hóa chất tẩy rửa và diệt rêu mốc của các hãng sơn để rửa sạch khu vực bị thấm. Dùng vữa để trám các lỗ hổng và vết nứt lớn, làm phẳng bề mặt bằng bột chuyên dùng dành cho tường ngoài trời sau đó dùng các loại sơn chống thấm để xử lý. Bên cạnh đó chúng ta cũng có thể Trang trí tường nhà: 19 cách vừa đẹp vừa tiết kiệm.

* Mách nước nhỏ : để đạt hiệu quả tốt nhất phải đảm bảo cho bề mặt cần sơn được sạch sẽ, khô thoáng và độ ẩm tường dưới 16%. Sau khi chuẩn bị tốt bề mặt thì phủ một lớp sơn chống kiềm, chờ sơn tự khô rồi phủ 1- 2 lớp sơn chống thấm lên trên.

Ngôi nhà là nơi chào đón bạn trở về sau một ngày dài mệt mỏi. Đừng để những phiền muộn lại tăng thêm bởi những ảnh hưởng xấu khi nhà bị xuống cấp bạn nhé. Hy vọng 3 cách khắc phục trên đây mà homify cung cấp sẽ giúp ích thật nhiều cho bạn.

Hãy tiếp tục theo dõi homify để biết thêm những thông tin hữu ích cho ngôi nhà thân yêu như Xây nhà tiết kiệm hơn khi áp dụng 10 lưu ý sau hay Học hỏi ngay quá trình cải tạo ngoạn mục cho ngôi nhà đổ nát này, bạn nhé!

Need help with your home project?
Get in touch!

Highlights from our magazine